31/10/2015

THAM NHŨNG VẪN SỐNG VINH QUANG


Phạm Trần

 


Ông bà ta bảo: Nói phải củ cải cũng phải nghe, nhưng các cụ lại không dạy con cháu làm sao bịt được mồm những kẻ nói ngày chưa đủ tranh thủ nói đêm, cứ mãi cãi xùi bọt mép để giữ cho được Xã hội Chủ nghĩa Tham nhũng mất lòng dân ở Việt Nam.

Đó là câu chuyện đang râm ran trong xã hội trước ngày Đại hội đảng XII.  Trí thức thì bức xúc, lão thành cách mạng buồn rầu, đảng viên mất định hướng và người dân hoang mang ở ngã ba đường.


Nhưng đảng không quan tâm.  Lãnh đạo coi chuyện tiếp tục giữ vững độc lập gắn liền với Xã hội Chủ nghĩa Cộng sản cho Việt Nam bây giờ và mãi mãi sau này là ưu tiên quan trọng hàng đầu. Ai cũng biết họ đã lý luận cùn, lạc hậu và thoái trào hơn 20 năm, kể từ khi Thế giới Cộng sản tan rã năm 1991 ở Nga.

Riêng đội ngũ “dư luận viên” của Hội đồng Lý luận Trung ương và Ban Tuyên giáo thì không. Họ quan niệm “còn đảng còn mình” như lực lượng Công an được học tập từ phát biểu năm 1959 của nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn (
"Công an là vũ khí sắc bén, là trụ cột của Đảng, Đảng giao cho Công an nhiệm vụ bảo vệ Đảng. Công an phải thấy Đảng giao vận mệnh của Đảng cho mình. Vì vậy, Đảng lựa chọn Công an trong những người trung thành nhất với Đảng, những người chỉ biết sống chết với Đảng, chỉ biết còn Đảng thì còn mình".)

Thay vào đó, họ tăng cường sử dụng báo đài đảng để lái dư luận vào  tuyên truyền đấu tranh chống kẻ thù vô hình gọi là “diễn biến hòa bình”, bị cáo buộc do Mỹ và các nước Tây Phương chủ trương nhằm loại đảng cầm quyền Cộng sản.

Nhưng để giữ đảng và chủ nghĩa Cộng sản sống mãi ở Việt Nam như Trung ương XI đã họach định trong Dự thảo Báo cáo Chính trị  (BCCT) tại Đại hội đảng XII, những “nhà thông thái” có học hàm Tiến sỹ, Thạc sỹ lại mơ hồ lên án  những chống đối  nhắm vào BCCT của người trong và ngoài nước là sản phẩm của “các thế lực thù địch” và những kẻ “cơ hội chính trị” ở Việt Nam. Tuyệt nhiên họ  không dám đụng tới những kẻ nội thù đã và đang làm ngơ trước đe dọa xâm lăng biển đảo Việt Nam của Trung Quốc; quốc nạn tham nhũng và những cán bộ, đảng viên mất phẩm chất, đang bóc lột nhân dân ở mọi nơi, mọi ngành.

Ngoài những bài viết phản biện của đội  ngũ dư luận viên có học vị cao,  đảng còn chỉ thị công an khoác áo côn đồ, như nhóm Trần Nhật Quang ở Hà Nội,  đến tận nhà khủng bố những người chống đường lối lãnh đạo của đảng như đã xẩy ra cho Tiến sỹ Nguyễn Lân của dòng họ văn hóa nổi tiếng Giáo sư Nguyễn Lân

Những nhóm Công an dư luận viên này còn công khai thực hiện các cuộc đánh người bất đồng chính kiến như phường đâm thuê chém mướn trước mắt công an giữa phố đông người. Người dân thấp cổ bé miệng thì nín thinh, sợ hãi tránh xa những nhóm như Trần Nhật Quang mà  Tiến sỹ Tô Văn Trường gọi là “lưu manh đỏ” , vì chúng làm việc này theo lệnh đảng và được các cơ quan nhà nước bảo trợ.

Nhưng một xã hội mà công an mặc áo côn đồ được tự do lộng hành như thế là hiện thân của một nhà nước nhu nhược đã mất khả năng lãnh đạo.

Vì vậy ta không lạ khi thấy các miệng lưỡi lý luận của đảng cho rằng, các “thế lực thù địch” và “những kẻ cơ hội trong nước” đã lợi dụng thời gian đảng chuẩn bị Đại hội để tăng cường chống đảng, tung tin thất thiệt gây hoang mang dư luận và làm mất đòan kết trong đảng viên.

Nhưng mà Dự thảo BCCT đã nhìn nhận một số vấn đề cơ bản báo hiệu đảng lâm nguy như:

-
Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí... chưa được ngăn chặn và đẩy lùi.

-- Lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội còn một số vấn đề cần phải qua tổng kết thực tiễn để tiếp tục làm rõ.

---- Bốn nguy cơ mà Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (năm 1994) nêu lên vẫn tồn tại, có mặt diễn biến phức tạp, như nguy cơ "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch với những thủ đoạn mới, nhất là triệt để sử dụng các phương tiện truyền thông mạng Internet để chống phá ta và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, chế độ có mặt bị giảm sút.

Vì vậy, BCCT mới hứa tiếp tục: “
Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, tăng cường bản chất giai cấp công nhân và tính tiên phong, sức chiến đấu của Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.”

BCCT còn thừa nhận:”Nhiều cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp chưa thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt mục tiêu, yêu cầu. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành, làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong dư luận, là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước, đe doạ sự tồn vong của chế độ.

BÁO CÁO CHÍNH PHỦ-QUỐC HỘI

Khi nói về thất bại chống tham nhũng, lãng phí thì phải kể đến bản báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trước Quốc hội ngày 28/20 (2015).

Ông Tranh cho biết: “Tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp.  Tình trạng nhũng nhiễu trong khu vực công còn nhiều, biểu hiện qua nạn hối lộ, lót tay, chạy chọt khi giao dịch với các cơ quan công quyền. Đã xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực.

Qua kết quả phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng cho thấy tính chất tham nhũng ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn, phạm vi, tính có tổ chức của các vụ việc, vụ án tham nhũng rõ nét hơn. Một số vụ án tham nhũng gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước. Một số vụ tham nhũng có yếu tố nước ngoài, phần nào ảnh hưởng đến nhìn nhận của quốc tế về tình hình tham nhũng ở Việt Nam. Tham nhũng vẫn là một trong những vấn đề bức xúc của xã hội hiện nay, là một nguy cơ gây mất ổn định chính trị, xã hội.”  (Trích Cổng thông tin Chính phủ, 28/10/2015)

Phản biện lại báo cáo của ông Tranh, báo cáo thẩm tra của
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết: “ Công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng vẫn còn một số hạn chế. Việc khắc phục sơ hở, bất cập về chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn chậm; một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả thấp; chưa xử lý triệt để, nghiêm minh trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng; thiếu quy định có hiệu quả để kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.” (Tin Chính phủ)

Cũng rất ngạc nhiên khi nhân sự và kinh phí dành cho cơ quan Thanh tra phòng chống tham nhũng gia tăng thì công tác “phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng năm nay đều giảm.”

Theo ông Hiện thì : “ Trong khi tình hình tham nhũng trong khu vực công vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Đây là vấn đề cần nghiêm khắc đánh giá hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng của các cơ quan, nhất là cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng.”

Ủy ban Tư pháp đánh giá : “Công tác phát hiện tham nhũng vẫn là khâu yếu đã kéo dài nhiều năm, nhưng cho đến nay vẫn chưa có chuyển biến đáng kể. Việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng năm nay đều giảm so với cùng kỳ năm 2014.

Vẫn còn một số vụ án xử lý kéo dài, vi phạm thời hạn tố tụng, việc xem xét, xử lý hành vi tham nhũng trong một số trường hợp chưa nghiêm, nặng về xử lý kỷ luật hành chính. Việc thu hồi tài sản tham nhũng vẫn thấp.”

Cũng theo tiết lộ của Văn phòng Thanh tra Chính phủ, được đăng trên báo Cổng thông tin Chính phù ngày 28/10 (2015) thì : “Khảo sát về xung đột lợi ích do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới thực hiện trong quý II/2015 tại 512 doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân cho thấy: 48% doanh nghiệp được hỏi thừa nhận có tặng quà cho cán bộ, công chức trong khoảng thời gian 12 tháng gần đây, trong đó 82% là quà có giá trị trên 500.000 đồng; 88,6% tặng trực tiếp cho cán bộ, công chức; 46% tặng trước và trong khi đang giải quyết công việc của doanh nghiệp; 66% là nhằm mục đích giải quyết công việc của doanh nghiệp và 31% để “nuôi quan hệ”; 56% do doanh nghiệp chủ động tặng quà dù cán bộ, công chức không đòi hỏi hay gợi ý.”

CÔNG AN –QUỐC HỘI

Cũng ngạc nhiên không ít khi thấy báo cáo của Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã nói về tình trạng “xuống cấp” của Công tác phòng chống tham nhũng thì  Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang lại nói khống lên thành tích của ngành trong báo cáo về “công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm” đã có nhiều chuyển biến tích cực, hầu hết chỉ tiêu mà Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra đều đạt và vượt.”

Theo báo Công an Nhân dân (28/10/2015) thì tướng Quang báo cáo : “Hầu hết các vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo đã được cơ quan điều tra các cấp khẩn trương điều tra, kết luận, chuyển viện kiểm sát đề nghị truy tố, đồng thời tiếp tục phát hiện, điều tra làm rõ các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn được dư luận quan tâm (như vụ án xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương, Ngân hàng thương mại cổ phần dầu khí Toàn cầu, Công ty cổ phần than Tây Nam Đá Mài)…

Đáng chú ý, tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng tăng khá, từ 22,3% năm 2014 lên 55,8% năm 2015 (đạt mục tiêu Quốc hội đề ra). Đây là vấn đề được cơ quan điều tra phối hợp các cơ quan tiến hành tố tụng đặc biệt quan tâm, áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản.”

Ngay sau khi nghe các báo cáo, Quốc hội đã thảo luận. Theo báo chí ở Việt Nam thì Đại biểu (ĐB) Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng” “ Tham nhũng diễn ra trên mọi lĩnh vực cuộc sống, từ người có địa vị thấp đến người có địa vị cao trong xã hội; người tham nhũng ít nhìn người tham nhũng nhiều mà làm theo; người không tham nhũng có khi bị người tham nhũng cô lập. Thậm chí, tham nhũng còn lan ra đến tận một số người dân thường, chỉ cần họ có chức trách gì đó như trông xe, gác đền, phát hàng cứu trợ. Tệ hại hơn nữa là tham nhũng cả chính sách cho hộ nghèo; chế độ cho người có công, gia đình thương binh liệt sĩ, tham nhũng của cả người còn sống hay đã chết.”

Theo ông Phương thì có “
một dạng tham nhũng tinh vi nhưng lâu nay ít được đề cập và trong báo cáo cũng nêu chưa rõ, đó là tham nhũng chính sách, thông qua việc mua chuộc, chạy chọt để ban hành các văn bản pháp luật có kẽ hở để tạo lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân.”

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng: “ B
áo cáo nhận định tình hình tham nhũng không giảm nhưng số vụ tham nhũng bị phát hiện lại giảm chứng tỏ công tác điều tra, khám phá tội phạm tham nhũng không đáp ứng được yêu cầu. “Cần thành lập Ủy ban điều tra, chống tham nhũng độc lập với cơ quan công an và chỉ thành lập ở cấp trung ương, đồng thời trao cho các cơ quan này toàn quyền trong việc điều tra cán bộ cấp cao khi có dấu hiệu vi phạm”.

Như vậy thì ai, Quốc hội, những cơ quan chống tham nhũng thất bại hay các “thế lực thù địch, diễn biến hòa bình, những phần tử cơ hội ” đang vạch áo đảng cho thiên hạ xem lưng  ?

Do đó khi báo Quân đội Nhân dân ngày 26/10 (2015) đã che dấu thất bại để chĩa mũi dùi tấn công người chống đảng, trước thềm Đại hội XII thì cũng chả có gì phải ngạc nhiên.

Bài viết của Vọng Đức là một tỷ dụ: “ Thực tế cho thấy, vào dịp chuẩn bị diễn ra những sự kiện chính trị quan trọng của đất nước như các lễ kỷ niệm lịch sử, đại hội Đảng, kỳ họp Quốc hội…, thì các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước lại lợi dụng không gian mạng để phát tán thông tin nhằm chống phá cách mạng nước ta, chế độ ta. Những thông tin này thường xuất hiện trên các website, blog nói chung, trong đó có mạng Facebook và nhiều hãng thông tấn nước ngoài, như Đài Châu Á tự do (RFA), Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), Hãng BBC... Bên ngoài, các đài phát thanh, hãng thông tấn này đều tuyên bố “tôn chỉ” của mình là đưa tin “trung thực, khách quan, không vụ lợi”…, nhưng trên thực tế thì họ thường “cài đặt” những mục tiêu chính trị dưới nhiều hình thức. Phương thức chủ yếu của họ là “cắt gọt”, “bình luận” dẫn dắt, “lựa chọn sự kiện, tình tiết”, rút “tít” giật gân nhằm phục vụ cho những mục tiêu chính trị nào đó.”

Những thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài” là ai ? Đối với các Dư luận viên đảng CSVN thì họ là những thành phần phải bị “phanh thây xẻ thịt” vì đã viết những bài trái ý đảng, không chạy theo quan điểm chính trị độc tài đảng trị của nhà nước không phải của dân, do dân và vì dân mà tất cả là của đảng, do đảng và vì đảng.

Vọng Đức lên án những quan điềm trái chiều phê phán các Dự thảo Văn kiện đảng là “xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ hệ tư tưởng XHCN, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.”

Tác gỉa cũng bênh vực quyết định chọn nhân sự đảng XII của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương XI, đồng thời cảnh giác chống lại những thông tin được cho là  thất thiệt về đời tư, phẩm chất (người này là “bảo thủ, giáo điều”, người kia là “cấp tiến”) hoặc vấn đề nhân sự đại hội chỉ là chuyện “đấu đá”, “giành giật quyền lực” giữa các "nhóm lợi ích”.

Nhưng cho đến 24 năm sau ngày Thế giới Cộng sản tan rã năm 1991 không hề có ai nuối tiếc ngay ở nước Nga, cái nôi của sinh nặng đẻ đau Chủ  nghĩa Cộng sản, mà đảng CSVN vẫn còn hoang tưởng để kiên định “qúa độ lên Xã hội Chủ nghĩa” thì có “cổ hủ, lỗi thời” không, hay “văn minh, hiện đại” ?

Còn chuyện nhân sự đảng thì người dân ở Việt Nam và những người đàng hòang trong đảng đã nói nhiều đến các trường hợp con ông cháu cha, như trường hợp
Nguyễn Văn Anh, tân Bí thư Đà Nẵng là  con trai của  nguyên Ủy viên Bộ Chính trị,Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Nguyễn Văn Chi; Nguyễn Bá Cảnh, sinh năm 1983, con trai của cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh, nguyên Trưởng ban Nội Chính Trung ương được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020;

Đặc biệt 2 con trai Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là
Nguyễn Thanh Nghị, 39 tuổi, nắm chức Bí thư Tỉnh ủy của Kiên Giang và Nguyễn Minh Triết, 24 tuổi  cũng lọt vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định nhiệm kỳ 2010-2015.

Những người này được đưa vào chỗ “hái ra bạc, khạc ra tiền” như thế có được chọn lựa công bằng dựa trên đức độ, khả năng và thành tích đàng hòang, minh bạch không hay cũng nằm trong đội ngũ “con vua thì lại làm vua” nên nhân dân còn xầm xì ?

Trước tình trạng này, bài viết của Quân đội Nhân dân khuyến cáo dư luận nên:”
Tránh dựa vào các thông tin không được kiểm chứng, những bình luận xuất phát từ quan điểm xa lạ với chế độ ta để đánh giá, nhận xét cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà nước các cấp trong dịp chuẩn bị cho Đại hội XII.”

Tác gỉa Vọng Đức kết luận: “Hiện nay, ngoài kênh thông tin nội bộ theo quy định của tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm đến công tác chuẩn bị đại hội các cấp có thể đọc, truy cập, lấy thông tin ở các cơ quan báo chí định hướng thông tin của đất nước, đó là: Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân.”


Như vậy đã hai 5 rõ 10 chưa cái lối thông tin muốn che mắt ngựa trên đường đi ? Nhưng mục đích thông tin coi thường sự hiểu biết của dân như thế trong thời đại diện tử ngày nay có ích lợi gì cho đất nước ?

Nếu các báo đài của đảng có bản lĩnh và tư cách thì thử viết một bài moi ra những nguyên nhân tại sao sau 40 năm thống nhất đất nước và 30 năm đổi mới mà tham nhũng vẫn sống vinh quang “như có Bác trong ngày vui đại thắng” ?


Phạm Trần
(10/015)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire