20/01/2015

Sử hay là sử trung thực

Lê Chân Nhân


(Lịch sử bẻ cong
Minh họa: Ngọc Diệp)
(Dân trí) – Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xây dựng chương trình giảng dạy nội dung bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia cho học sinh, sinh viên. Đây là một công việc quan trọng, một trách nhiệm nặng nề đối với các đơn vị được giao.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng, chương trình giáo dục lịch sử các cấp hiện nay chưa xây dựng được nội dung về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, đặc biệt là chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chưa kể, còn có các sự kiện lịch sử về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam. Chính vì vậy, nên đa số học sinh, sinh viên không biết hoặc biết không đầy đủ về những trang sử bảo vệ chủ quyền lãnh thổ oanh liệt này.

Các nhà nghiên cứu lịch sử cũng như các nhà giáo dục băn khoăn về việc giảng dạy bộ môn lịch sử trong trường phổ thông cũng như phát triển ngành lịch sử ở các trường đại học. Phần lớn học sinh không thích học lịch sử, sinh viên không theo học ngành lịch sử. Môn sử đang bị xem thường, cộng thêm với thiếu vắng kiến thức bảo vệ chủ quyền trong chương trình giảng dạy, thì không thể đòi hỏi công dân Việt Nam biết về chủ quyền của quốc gia trên biển Đông.

Lịch sử khô khan ư? Không! Mà bởi vì chúng ta chưa dạy lịch sử bằng nước mắt mà chỉ dạy bằng nụ cười chiến thắng. Học sinh chán chường khi nghe mãi một bài ca thắng trận. Nếu như học sinh được học về 64 chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh như thế nào trong trận chiến không cân sức trên bãi đá Gạc Ma của quần đảo Trường Sa năm 1988 thì chắc chắn các em sẽ không thờ ơ với lịch sử.

Lịch sử sẽ được tôn trọng như chính nó cần được tôn trọng khi trong trang sách chủ quyền có trận hải chiến năm 1974. Học về trận hải chiến lịch sử này, thế hệ sau mới biết được Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Nỗi đau mất nước không chỉ có ở người đi trước, mà con cháu hôm nay cũng phải cảm nhận được nỗi đau đó. Để rồi, tự thấy mình có trách nhiệm can dự vào việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, không những thế mà có trách nhiệm đòi lại. Như nhiều vì lãnh đạo đã nói, hôm nay chúng ta chưa đòi lại được Hoàng Sa và một số đảo Trường Sa, thì con cháu của chúng ta sẽ tiếp tục đòi.

Học chủ quyền lãnh thổ từ trang sách phổ thông không chỉ nuôi dưỡng lòng yêu nước, mà chuẩn bị từ sớm một lực lượng các nhà khoa học nghiên cứu về lịch sử biển đảo sau này. Hiện nay, số lượng các nhà khoa học về biển Đông, Trường Sa và Hoàng Sa rất ít. Công trình về chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông còn hạn chế, chưa có mặt ở các thư viện của các trường, viện đại học nổi tiếng trên thế giới. Nếu so sánh hoạt động đào tạo và nghiên cứu chuyên gia về biển đảo, chúng ta thua xa Trung Quốc. Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã từng đưa ra nhận định như vậy sau khi đi tìm hiểu về đề tài này tại các nước châu Á, châu Âu, Úc và Mỹ.

Đưa chương trình giảng dạy chủ quyền biển đảo vào sách giáo khoa là cần thiết và cấp thiết. Thủ tướng chỉ đạo, nhưng các ngành thực hiện xây dựng chương trình đạt chất lượng như mong muốn hay không là một thử thách. Nếu như cho ra đời một chương trình mà học sinh quay lưng như đã từng xảy ra thì rất vô ích. Muốn đạt được chất lượng về chương trình lịch sử, chỉ có điều duy nhất là trung thực với chính nó.


L.C.N
Nguồn: Theo Dân Trí

Quảng Cáo

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire