30/03/2014

HỆ LỤY ODA

Võ Văn Tạo

TTCT - Đến 2005, nợ nước ngoài của VN lên đến khoảng 20 tỉ USD. Vừa trả nợ, vừa vay thêm, đến 2010 con số này sẽ vượt ngưỡng 30 tỉ USD. Hiện nay, mỗi năm phải trả nợ khoảng 2 tỉ USD, mức trả nợ mỗi năm lại tăng cao hơn.
Và nợ nước ngoài có xu hướng đạt tỉ trọng ngày càng cao so với GDP. Theo lý thuyết kinh tế, khi tỉ trọng này lên đến 50%, nguy cơ đổ vỡ tài chính xuất hiện. Trong khi đó tỉ lệ thất thoát trong đầu tư từ ngân sách là khoảng 30%. Một con số ở mức báo động đỏ!
Sau hàng loạt sai lầm, tiêu cực như phong trào ximăng lò đứng, các chương trình mía đường, đánh bắt xa bờ, trồng rừng 327 của Chính phủ, hiện tượng nở rộ cả trăm cảng biển đủ cỡ, nước sâu nước nông, chương trình vùng cà phê tập trung ở Tây nguyên, hàng loạt công trình nhà máy hạ tầng, tuyến đường, cây cầu giao thông chưa khánh thành đã trục trặc..., với gần 1.000 cái PMU trên cả nước, chúng ta không thể không có thái độ hết sức thận trọng và nghiêm túc trong huy động, quản lý và sử dụng ODA.
Vì vậy, những biện pháp như tăng cường thuê, nhờ các cơ quan chuyên môn, chuyên gia nước ngoài, huy động các cá nhân có chuyên môn cao (chú trọng Việt kiều tâm huyết), có đạo đức và uy tín trong các hiệp hội chuyên ngành, các cá nhân có trình độ, tâm huyết do cộng đồng dân cư chọn lựa một cách thật sự tự do, dân chủ tham gia hoạch định phương hướng, tư vấn, giám sát, quản lý, kiểm toán là những gợi mở để cải thiện tình hình. Nếu chỉ chú trọng thanh tra, điều tra xử lý sau khi việc đã rồi thì chẳng khác nào hốt lại chén nước đã lỡ làm đổ xuống đất.
Từ thực trạng quản lý, sử dụng ODA hiện nay, có thể điều chỉnh phương hướng sắp tới theo trật tự ưu tiên như sau:
1. Tiếp tục duy trì gia tốc dương trong vay ODA, với điều kiện quản lý, sử dụng thật tốt.
2. Tiếp tục vay thêm có chừng mực ODA, với điều kiện quản lý sử dụng khá tốt.
3. Không chủ trương vay thêm ODA, nếu việc quản lý, sử dụng nhìn chung như đã xảy ra ở PMU18.  
Theo Tuổi Trẻ / VÕ VĂN TẠO (Khánh Hòa)

1 commentaire: