23/11/2013

Tấn công tội phạm hay tấn công người vô tội?



Võ Văn Tạo

Trong vụ án oan sai Nguyễn Thanh Chấn đầy tai tiếng, bên cạnh dư luận xã hội bức xúc tột cùng trước thói vô cảm, vô trách nhiệm của các cán bộ và cơ quan liên can, một số quan chức cấp cao (trong đó có lãnh đạo TAND Tối cao và lãnh đạo Bắc Giang) lại tuyên bố trước công luận, hàm ý vụ oan sai này có nguyên nhân từ ý chí tấn công tội phạm (!?). Các vị này đều khuyến cáo các cơ quan bảo vệ pháp luật không vì vụ này mà nhụt ý chí tấn công tội phạm!

Rõ ràng, đó là một tư duy hoàn toàn sai lầm, dễ gây lạc hướng dư luận và làm cho cán bộ trong các cơ quan bảo vệ pháp luật không nhận rõ bản chất vụ việc để rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc, đúng đắn.
Vụ án này, kẻ phạm tội là Lý Nguyễn Chung đã sổng lưới pháp luật hơn 10 năm. Cũng bằng ấy thời gian, người vô tội là ông Chấn thì bị khép oan đại tội giết người, bị tuyên phạt chung thân (không có cha là liệt sĩ thì đã bị tuyên tử hình) và phải ở tù. Không thể nói hậu quả trớ trêu và nghiệt ngã trên là kết quả của ý chí tấn công tội phạm (theo đúng nghĩa của cụm từ này). Nếu quả thật công an, VKS và tòa án thật sự thể hiện ý chí tấn công tội phạm, thì kẻ gây tội ác đã phải bị phát hiện và xử lý không lâu sau vụ án mạng.
“Tấn công tội phạm”, chứ không phải “tấn công người vô tội”! Thật trớ trêu và cay đắng, người bị “tấn công” (trong cả 4 khâu: điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án) trong vụ án ô nhục chấn động này không phải là tội phạm, mà là công dân vô tội Nguyễn Thanh Chấn.
Cũng xin nói thêm, việc khẳng định ông Chấn vô tội, trong khi việc điều tra lại theo quyết định tái thẩm chưa được tiến hành (và tất nhiên chưa có kết quả và chính thức công bố) là có cơ sở. Không một cơ quan hay quan chức bảo vệ pháp luật nào dám ký quyết định tạm đình chỉ thi hành án, trả tự do cho đối tượng mà họ còn nghi ngờ phạm đại tội giết người, vì hậu quả của việc đối tượng đó bỏ trốn, hoặc tiếp tục gây án trong khi chưa chấp hành xong án tù là không thể lường hết. Bằng việc rà soát lại vụ án, phát hiện chứng cứ buộc tội ông Chấn là sai lầm và không thuyết phục; lại thêm các tình tiết vừa xác định như nhiều thân nhân của Chung thừa nhận Chung chính là hung thủ, thừa nhận việc Chung có đưa lại 2 chiếc nhẫn lấy được của nạn nhân; các dấu sẹo trên tay Chung trong vụ gây án (do nạn nhân giãy dụa chống cự); và việc Chung đã ra đầu thú và khai nhận là thủ phạm gây án… Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và các cơ quan hữu quan xác định một cách chắc chắn Chung mới thật sự là hung thủ.
Như nhiều chuyên gia đã phân tích, việc oan sai đối với ông Chấn khởi nguồn từ ý chí chủ quan hết sức sai lầm của các cá nhân hữu trách trong cơ quan điều tra Công an Bắc Giang trước áp lực phá án, động cơ muốn lập nhiều “thành tích” bằng kết thúc lấy được các vụ trọng án nhằm nhanh được cất nhắc, thăng thưởng (tỷ lệ phá trọng án của cả nước trong giai đoạn này là khoảng 70%, riêng Bắc Giang là 100%. Trừ một người đã chết vì tai nạn giao thông, tất cả điều tra viên Bắc Giang liên can vụ án này đều đã thăng tiến thành lãnh đạo công an cấp phòng ở tỉnh và lãnh đạo công an cấp huyện, có người được Thủ tướng khen thưởng. Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra nay đã là giám đốc công tỉnh!), cung cách làm việc bất chấp các hành vi bị pháp luật hình sự nghiêm cấm (“bức cung”, “dùng nhục hình”, “làm sai lệch hồ sơ vụ án”)… thói vô cảm trước sinh mệnh, phẩm giá con người, cung cách làm việc cẩu thả, vô trách nhiệm của cơ quan công tố và tòa án ở cả hai cấp sơ và phúc thẩm đã “nối giáo” cho sai phạm của cơ quan điều tra, gây ra vụ “tiếng oan dậy đất, án ngờ lòa mây” này. Rõ ràng, những sai phạm trên hoàn toàn không “bà con” gì với “ý chí tấn công tội phạm”, mà chỉ là “mẹ đẻ” của hậu quả cực kỳ tệ hại: “tấn công người vô tội”.


V.V.T.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire